Câu ca: "Muốn là con mẹ con cha - Sinh ra ở đất Thanh Hà xứ Đông" hình như đã phần nào khảng định tiềm năng và lợi thế của vùng quê Thanh Hà.
Là vùng đất chiêm trũng, đất đai màu mỡ do phù sa của sông Thái Bình bồi đắp mà thành. Lại gần biển, thủy triều lên xuống hàng ngày nên hải sản nước ngọt, nước lợ quê tôi đều có cả. Những cua, cáy, ốc, ếch, rươi, cà ra ... bây giờ là đặc sản của người thành phố. Với người dân quê tôi, đây là món ăn dân dã.Nhưng đặc sản nổi tiếng của Thanh Hà lại là vải thiều
Những năm 80, cây vải thiều quê tôi có giá lắm. Khi đó tôi đã từng phải mua tới 100 ngàn đồng/ 1 kg vải thiều khô ( Trong khi lương của tôi chỉ được 25 ngàn đồng/ tháng). So sánh như vậy để mọi người hiểu thêm giá trị của cây vải thiều. Đến những năm 90. chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã khuyến khích người dân Thanh Hà chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Vậy là, nhà nhà thi nhau lập vườn trồng vải. Diện tích vải toàn huyện đã có thời kỳ lên tới trên 8 ngàn ha. Diện tích trồng lúa thu hẹp chỉ còn khoảng 4 ngàn ha. Đất đai trở nên có giá trị. Đất nào cũng thành bờ xôi ruộng mật cả. Cây vải trở thành cây vàng của mỗi gia đình. Thời hoàng kim đó chỉ kéo dài được khoảng dăm bẩy năm. Sau đó giá trị của cây vải thấp dần bởi vải thiều Thanh Hà đã được di cư đi khắp vùng miền. Từ năm 2005, giá trị của vải đã tụt xuống đáy. 1kg vải tươi có khi chỉ còn 2 ngàn đồng. Nhiều gia đình có vải nhưng không hái được, gọi người hái thuê cũng khó. Cho người khác hái cũng không có ai muốn lấy. Bởi công 1 ngày hái vải đến hơn 100 ngàn. trong khi giá có 2 ngàn/1kg. Chả ai muốn bỏ sức ra để làm. Vậy là người dân lại phải chặt cây vải để trồng cây khác. Diện tích vải nay đã giảm xuống còn hơn 4 ngàn ha. Trong đó có nhiều trà vải, giống vải khác nhau. Vải thiều chỉ còn tập trung ở 14/ 25 xã trong huyện. Nhưng điệp khúc: Được mùa mất giá vẫn liên tục diễn ra. Có những năm vải mất mùa. Giá cũng chỉ được 12 - 15 ngàn đ/1kg. Nhưng để có được quả vải thơm ngon đẹp mắt đâu phải dễ. Ngoài chăm bón vun trồng khó nhọc, còn phải đặc biệt chú ý đến phòng trừ sâu bệnh nữa. Phun thuốc trừ sâu bệnh từ khi có hoa đến khi thu hoạch tới cả chục lần. Nếu thời tiết không thuận, vải sắp được thu hoạch vẫn bị rụng hết vì mưa. Mùa thu hoạch vải lại thường trùng với mùa thu hoạch lúa. Cái nắng nóng hầm hập của mùa hè cộng với hương nồng của vải lại càng thêm nóng. Ngồi dưới gốc vải bó quả còn nóng hơn cả gặt lúa ngoài đồng.
Năm nay, vải thiều lại được mùa. Mới đầu vụ, giá vải U hồng, U thâm cũng chỉ dao động ở mức 10 - 15 ngàn đồng/ 1kg. Vải Lai khoảng 10 ngàn. Dự đoán giá vải thiều sẽ ở mức dưới 10 ngàn. Với giá ấy, dân cũng chẳng thiết tha với cây vải nữa. Nhưng ngoài cây vải, những người dân của vùng vải cũng chưa biết trồng cây gì cho có hiệu quả hơn.
Anh NQD, trưởng khoa Báo chí ( Học viện BC) đã từng bảo tôi: "Em tham mưu cho lãnh đạo huyện đừng phá bỏ cây vải em nhé. Bởi đây là đặc sản của quê mình. Nếu phá vải, Thanh Hà còn gì để tự hào nữa". Đúng vậy, không có vải thiều, Thanh Hà còn gì để tự hào nữa?
Có chỉ dẫn địa lý Vải thiều Thanh Hà rồi, nhưng giá vải của quê tôi cũng chưa hơn gì những nơi chưa có chỉ dẫn. Người trồng vải quê tôi vẫn chưa thể cười tươi khi đến mùa thu hoạch vải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét