Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

GỬI LỜI CHO GIÓ CUỐN ĐI

Bụi tre này ai vừa chặt giúp em?
Lời anh hỏi chứa bao điều nghi vấn
Hỏi để biết? Hay vẫn còn thương lắm?
Chia xa anh, em tự lập quen rồi

Em thấy mình giống hòn đá mồ côi
Hưởng đủ cả trời xanh và giông bão
Chỉ cứng rắn mà không hề mềm dẻo
Như cánh hoa, như nhành liễu ven hồ

Dẫu đời nhiều gió dập sóng xô
Em vẫn bình yên dù anh không bên cạnh
Vẫn hạnh phúc theo cách em nhìn nhận
Riêng nỗi đau thì chưa thể nguôi ngoai


Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

CHA TÔI

 Bài viết đăng báo đã lâu, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, con đăng lại trên trang riêng của con để kính tặng cha

        
 Cây vững  nhờ cội to, sông lớn bởi nhiều nguồn hợp lại. Riêng tôi, tôi có một người cha để tự hào, để làm tấm gương soi cho cuộc đời mình  
      Tôi là con gái lớn trong một gia đình nửa công chức, nửa thôn quê. Họ nội tôi, những người trưởng thành đều thoát ly. Còn họ ngoại hầu hết đều làm ruộng. Thầy tôi là giáo viên, còn u tôi là "kỹ sư nông nghiệp đồng xanh". Vì ở nhà quê nên 7 chị em tôi nghiễm nhiên cũng là công dân của đồng ruộng. Hơn những gia đình khác trong xóm ở chỗ: Cả 7 chị em tôi đều được học hết cấp 3. Sau đó, tùy sức học của mỗi người mà học lên nữa hay không. Nhưng cái sự học lên của chúng tôi cũng là nhờ ở thầy tôi. Thầy tôi thường bảo với chị em chúng tôi rằng : “Con người ta khổ nhất là không có kiến thức. Hết cấp 3 của các con mới chỉ là thoát nạn mù chữ mà thôi”. Việc học lên tôi không nói ở đây. Tôi chỉ xin kể về thầy tôi theo thứ tự thời gian.
         Khi tôi được 2 tuổi, thầy tôi lên Tây Bắc dậy học. Suốt 5 năm trời, thầy tôi chỉ về mỗi năm 1 tháng vào dịp hè. Quà của thầy tôi chẳng có gì ngoài những câu chuyện cổ tích. Tôi lại chúa thích truyện nên mỗi khi thầy tôi ở nhà là tôi vui lắm. Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ bị thầy tôi mắng mỏ. Tôi còn nhớ năm tôi lên 5 tuổi, nhà tôi có 1 va ly quần áo bị mối xông. U tôi khóc như nhà có đám. 3 chị em tôi sợ quá chẳng hiểu vì sao u tôi lại khóc dữ như thế. Sau bà ngoại tôi giải thích: Mối xông quần áo là “độc” lắm, thầy cháu đi xa như thế chẳng hiểu có chuyện gì không?". Nhưng rồi cũng chẳng có chuyện gì xẩy ra với thầy tôi cả.
       Năm tôi lên 7 tuổi, thầy tôi chuyển về dậy học ở huyện. Trường thầy tôi dậy cách nhà khoảng 5 cây số,, nếu đi đường tắt chỉ khoảng 2 cây. Đã có lần tôi với cô tôi đi tắt ruộng sang trường thầy tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe các cô các chú trong trường khen thầy tôi và bảo tôi học cho giỏi để theo kịp thầy.
       Những năm sau này, thầy tôi thường được nghỉ ở nhà  vào tối thứ 7. Mỗi tối ấy tôi lại được nghe một câu chuyện cổ tích. Những đêm trăng sáng, thầy tôi thường kê mấy chiếc ghế và cái chõng tre ra ngoài sân nằm cho mát. Rồi chỉ cho chị em tôi vị trí sao Bắc cực, dải Ngân Hà, sao Thần Nông, Mắt Vịt... kèm theo là những câu chuyện cổ tích về sao Hôm, sao Mai, sông Ngân, Mưa Ngâu ...Với tôi, thầy tôi là cả một kho cổ tích với sự hiểu biết về Đông tây – Kim cổ, thiên văn, địa lý. Tôi hỏi thầy: “sao thầy biết nhiều thế?”. Thầy tôi bảo: “Phải học thì mới biết con ạ. Học không chỉ ở trường mà còn học ở bạn bè, ở sách báo nữa”. Câu nói của thầy tôi luôn in đậm trong tôi, khích lệ tôi trong suốt cuộc đời.
       Khi còn là học sinh, tôi không chú ý lắm đến việc thầy tôi làm như thế nào, quan hệ với đồng nghiệp và mọi người ra sao. Tôi chỉ thấy năm nào thầy tôi cũng có 1 huy chương chiến sỹ thi đua đem  về cho chị em chúng tôi xem, xong thầy tôi lại cất vào  hộp để vào trong tủ. U tôi nói đùa: “ Giá nó bằng vàng thật thì nhà mình giàu lắm”.
       Hiện nay, tôi đang sinh cơ lập nghiệp tại địa bàn nơi thầy tôi đã từng 15 năm liền làm hiệu trưởng. Tôi mới thấy rõ vị thế của thầy tôi trong suy nghĩ của người dân và những người đã từng là học sinh của thầy tôi. Ngay cả những người ngày xưa từng là học sinh "cá biệt" cũng đều nhắc tới thầy tôi với thái độ kính trọng đặc biệt. Những đồng nghiệp của thầy tôi ngày xưa thường nói với tôi rằng: “ Bây giờ các cô các chú theo được thầy cháu như ngày xưa khó lắm”
       Nhắc tới câu này, tôi lại nhớ về chuyện xẩy ra năm 1977, khi cơn bão số 3 có sức gió dật trên cấp 12 đổ về. Bữa đó u tôi ốm, ba chị em tôi phải tự đi mượn tre đưa lên mái nhà để chằng cho khỏi tốc rạ. Hai em, một 15 và một 12 tuổi ở phía dưới đưa tre, tôi ở trên đón và chằng buộc. 17 tuổi nhưng tôi vẫn nhỏ như trẻ 14 – 15 bây giờ nên ngã xiêu ngã vẹo liên tục. Cuối cùng thì chúng tôi cũng giữ được mái nhà nguyên vẹn. Bão tan, hôm sau thầy tôi mới về. U tôi có ý trách. Thầy tôi ôn tồn bảo: Nhà mình có 5 gian chứ trường tôi có tới mấy chục gian cơ. Nếu tôi cũng về thì lấy ai chống bão cho trường”. Bây giờ nhắc lại câu này chắc có nhiều người cho thầy tôi là “Hâm”. Nhưng với chị em tôi, đây chính là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm với công việc, về lòng yêu nghề mà chúng tôi cần phải noi theo.
      Với xã hội, thầy tôi là một nhà giáo khả kính. Với gia đình, thầy tôi là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Học sinh của thầy tôi, nhiều người đã ở tuổi 60, có lớp người mới xấp xỉ 30. Thầy tôi cũng đã nghỉ hưu được hơn chục năm rồi. Ấy vậy mà Tết nào thầy tôi cũng có học trò tới thăm. Thầy trò gặp nhau chuyện vui không dứt. Mỗi lần chứng kiến cảnh ấy, tôi lại nhớ về mấy câu thơ thầy tôi viết khi mới nghỉ hưu:
 “Già rồi vẫn chưa muốn về hưu.
Chỉ sợ buồn thôi, chẳng sợ nghèo.
Lại sợ tuổi già đi nhanh quá
Tâm hồn con trẻ vẫn còn theo”   Và tôi càng hiểu rằng: Thầy tôi yêu nghề, yêu lớp học sinh biết nhường nào.

       Bây giờ thầy tôi đã sắp sang tuổi “thấp thập cổ lai hy” rồi nhưng vẫn còn hăng hái hoạt động xã hội. Thầy tôi bảo: Những việc làm ấy giúp thầy khỏe ra, không còn thấy buồn khi phải xa mái trường, xa học sinh nữa ./.